VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, trên cơ sở kiểm soát các mối nguy trong quá trình sản xuất, thu hoạch và sơ chế.
Đối với sản phẩm trồng trọt, từ năm 2008 đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các VietGAP cho rau, quả tươi; chè búp tươi, lúa và cà phê.
VietGAP là tự nguyện không bắt buộc áp dụng. Để được chứng nhận VietGAP, cơ sở nghiên cứu tìm hiểu về VietGAP (tự nghiên cứu hoặc tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về VietGAP) và áp dụng VietGAP vào sản xuất và/hoặc sơ chế. Tùy đối tượng sản xuất, sơ chế để lựa chọn Quy trình VietGAP cho phù hợp (Quy trình VietGAP cho rau, quả tươi; Quy trình VietGAP cho chè búp tươi: Quy trình VietGAP cho lúa; Quy trình VietGAP cho cà phê). Sau khi áp dụng, cơ sở liên hệ với tổ chức chứng nhận VietGAP được Cục trồng trọt chỉ định để đăng ký chứng nhận. Danh sách tổ chức chứng nhận VietGAP trồng trọt bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ được đăng tải trên website, mục “Tổ chức chứng nhậnVietGAP”. Sau khi liên hệ, tổ chức chứng nhận VietGAP sẽ hướng dẫn cơ sở về trình tự đăng ký, chứng nhận VietGAP.
Kinh phí chứng nhận VietGAP do thỏa thuận giữa tổ chức chứng nhận và cơ sở đăng ký chứng nhận. Hiện nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí chứng nhận đối với cơ sở sản xuất, sơ chế áp dụng VietGAP theo quy định tại Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012. Để có thông tin chi tiết về các Chương trình, Dự án hỗ trợ áp dụng VietGAP trong sản xuất, cơ sở hãy liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại nơi sản xuất, sơ chế.
Tiêu chuẩn VIETGAP: /Media/Personal/admin/vietgap.pdf